[Trải nghiệm] Rollei 35s – Tí hon thần lực

Khi nhắc tới Rollei, các bạn nghĩ gì? Chắc chắn đa số sẽ là nhớ về những chiếc máy song kính (TLR) Rolleiflex đẹp hoành tráng và có cái giá “đau thận” với người chơi phổ thông; hoặc đứa em cấp thấp hơn của nó là Rolleicord. Đâu đó thi thoảng sẽ thấy rao bán một vài máy Rollei medium format SLR cũng to nặng vài cân (Rollei Sl66, Rollei SLX, …), giá cao và chỉ phù hợp với việc để ở trong studio thay vì vác ra phố. Tóm lại, với đa số, Rollei đơn giản là “to” và “cao”. Chỉ có một số ít người chơi phổ thông tại Việt Nam để mắt tới một thái cực hoàn toàn đối lập của Rollei: Một chiếc máy ảnh từng là máy ảnh dùng film 35mm nhỏ nhất thế giới (hiện tại vẫn nằm trong top 3), món đồ yêu thích của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, một dòng họ luôn nằm trong những lựa chọn thiết bị “ngon” nhất cho thể loại streetlife: Rollei 35.

Quay ngược lại với lịch sử một chút. Rollei 35 (Original) được tạo ra bởi kỹ sư người Đức – Heinz Waaske. Ý tưởng về chiếc Rollei 35 được hình thành khi Waaske nhận ra rằng, người tiêu dùng phổ thông yêu thích những chiếc máy phim 16mm (hay thường được gọi là “spy camera” – máy ảnh điệp viên) là vì thiết kế đẹp và tính tiện dụng hàng ngày của nó, chứ chất lượng máy móc cũng như chất lượng ảnh từ khổ phim tí teo của các máy này thì thực sự vô cùng không ổn. Vậy là Waaske quyết định tạo ra chiếc máy ảnh để đời của mình. Một cỗ máy cũng thừa nhỏ gọn để đút vào túi áo khoác mang theo bên mình, đẹp như một món trang sức mà lại cho ra ảnh chất lượng tốt của khổ phim đầy đủ 35mm. Một ý tưởng phi thường.

Trong một vòng đời dài lên tới gần 30 năm của cả dòng máy, Rollei 35 có rất nhiều biến thể cũng như phiên bản khác nhau trải dài trên nhiều đối tượng, nhiều mức giá; Rollei 35S là thành công lớn nhất của Rollei trên thị trường máy ảnh 35mm và hiện tại vẫn là chiếc máy có giá trị cả về sử dụng lẫn sưu tầm. Rõ ràng là tươi sáng hơn nhiều số phận hẩm hiu của ông em sinh sau đẻ muộn Rolleiflex SLR 35mm. Ở đây sẽ nói tới chiếc máy mình đang có trên tay, là chiếc Rollei 35S.

Rollei 35S được sản xuất từ năm 1974 đến năm 1980 tại Singapore và là phiên bản mới của Rollei 35 tại thời điểm đó, sản xuất song song với phiên bản gốc lúc này được đổi tên thành Rollei 35T để phân biệt. T là viết tắt của Tessar còn S là viết tắt của Sonnar (công thức kính với 5 thấu kính).Tại thời điểm ra mắt (và cả bây giờ), Rollei 35S được đánh giá cao về chất lượng ảnh nhờ sử dụng lens CZ Sonnar 40/2.8 với lớp tráng phủ HFT đỉnh cao của Rollei.

A009944-R3-13-24A

Cảm giác đầu tiên khi cầm vào chiếc máy này đó là nó rất nhỏ, ngang một bao thuốc lá có thể nằm gọn trong lòng bàn tay; đúng là khó tin khi có thể đưa cuộn phim 35mm vào trong một kích cỡ bé tới vậy. Tuy nhiên, sự bé nhỏ không hề gây ra cảm giác hụt hẫng hay ọp ẹp. Máy khá nặng nếu so tương quan với kích cỡ (345g) và vỏ máy cũng như các chốt khoá đều được làm rất chắc chắn. Chắc chắn là ai cầm vào cũng vẫn sẽ có cảm giác đây là một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp chứ không phải một cái hộp đồ chơi cơ khí rẻ tiền. Mà nghe các bác sành đồ bảo bản Original sản xuất tại Đức có build còn chắc chắn hơn các máy sản xuất tại Singapore nữa thì không biết còn ghê cỡ nào. Chuyện đó để sau.

Điểm tiếp theo ở Rollei 35(S) đó là để tận dụng không gian thì toàn bộ các bánh xe điều khiển đều được đưa ra mặt trước của máy thay vì ở trên đỉnh như thông thường, và thiết kế khác lạ này không gây ra bất cứ khó khăn nào cho việc quan sát và tuỳ chỉnh thông số; tất cả đều rất rõ ràng và dễ nhìn. Tuy nhiên, vì 2 bánh xe khá nhỏ cho nên có thể có một vài lấn cấn với người có ngón tay to.

Trong quá trình thực tế sử dụng thì cảm giác của mình với Rollei 35S là cực kì tiện lợi và dễ chịu. Khi đã quen tay, chiếc máy giống như một anh bạn đồng hành tí hon có con mắt tinh tường, hoàn toàn thân thuộc và ẩn thân như một nhẫn giả trên phố. Chủ đích chụp ảnh mà như không chụp vì không có cảm giác bị ràng buộc bởi cái máy ảnh là một trải nghiệm cực kì thoả mãn. Ở phía ngược lại, một cái hộp nhỏ xinh vô hại cũng sẽ khiến chủ thể được chụp thân thiện hơn với người chụp ảnh, giải quyết một vấn đề luôn luôn đau đầu với mọi người chụp streetlife là bị chủ thể người xua đuổi. Mà kể cả chủ thể không thích thì cũng có hề gì đâu, thân hình nhỏ bé của Rollei 35S cho phép “shoot from the hip” cực kì nhanh và hiệu quả mà chẳng cần thao tác rườm rà.

View của máy khá to và sáng, tuy nhiên hơi tiếc là không có rangefinder và cũng không có căn chỉnh parallax cho nên khung hình nhìn thấy sẽ hơi lệch về bên phải so với ảnh thu được. Tuy nhiên trong view có sẵn đánh dấu khung ảnh nên không phải chuyện cần lo lắng.

Vì không có rangefinder nên các máy Rollei 35 đều sử dụng phương thức lấy nét theo khoảng cách (zone/scale focus). Người chụp sẽ ước lượng khoảng cách từ mình tới chủ thể rồi xoay vòng lấy nét tới khoảng cách phù hợp in trên đó (tính bằng mét). Cơ chế này có thể gây ra một số khó khăn cho người mới, tuy nhiên sau khi đã quen thuộc với cách này thì tốc độ chụp đôi khi còn nhanh hơn kiểu lấy nét thông dụng. Với đặc trưng là một chiếc máy thường nằm trong tay street photographer, luôn khép khẩu nhỏ để lấy DOF dày thì việc lấy nét càng không phải vấn đề khi sử dụng Rollei 35(S).

Một tip khác về lấy nét với Rollei 35(S) mà mình học được từ các bạn Tây vui chơi trên Flickr là với khung hình ngang và chủ thể là người lớn có chiều cao bình thường thì khoảng cách ước lượng được tính như sau:

  • Chỉ thấy gương mặt chủ thể: 1-1.2m
  • Chân dung ngang ngực: 1.5m
  • Bán thân: 2-3m
  • Toàn thân: 6m Rồi từ đây ước lượng các khoảng cách khác. Mình đã thử với cuộn đầu trên chiếc Rollei 35S và hoàn toàn chính xác.

Nói tới cuộn đầu thì hãy nói tới ảnh. Phần lớn các máy nho nhỏ xinh xinh dạng PnS đều đi kèm một cái lens tạm ổn, cho ra ảnh cũng tạm. Chiếc này thì không, đơn giản vì như phần đầu đã nói, người thiết kế ra dòng Rollei 35 muốn nó phải có chất lượng ảnh tốt như các máy to dày. Và lens Rollei Sonnar 40 2.8 có trên máy cho mình một cuộn đầu với chất lượng ảnh rất tốt: độ nét và màu sắc đều ngon lành chỉ với phim cơ bản và scan thông thường. Mình sẽ thử thêm một cuộn nữa với phim và chất lượng scan tốt hơn để xem còn có thể đạt được chất lượng ảnh như thế nào với cái máy này.

000036

Nếu có gì hơi không hài lòng về chiếc máy này thì chỉ có một vài điểm nho nhỏ thôi. Thứ nhất là đo sáng. Chiếc 35S của mình sử dụng đo sáng CdS hiển thị bằng kim được đặt trên đỉnh máy và may mắn là nó hoạt động rất chính xác, nhưng mà có hơi bất tiện là mỗi khi muốn chụp thứ gì đó cao qua tầm mắt là khỏi nhìn được đo sáng luôn; lúc đấy thì lại phải Sunny16 thần thánh set thông số trước hoặc đơn giản bạn chỉ cần đo sáng trước và ngắm view để căn bố cục sau. Các máy đời E (SE/TE) có đo sáng hiển thị bằng LED trong view thì lại thường được phản ánh là không có độ chính xác tốt bằng hệ chỉ kim. Hơi buồn chút xíu.

Cũng có liên quan đôi chút tới đo sáng là cái chỗ để pin. Hộc pin đo sáng của Rollei 35(S) nằm cùng chỗ với nơi chứa cuộn phim, tức là nếu đã lắp phim vào rồi thì khỏi thay pin trong quá trình chụp. Thiết kế của cái nắp pin cũng dễ gây nhầm lẫn cho người dùng rằng để pin vào đấy rồi lắp phim vào là xong. Nhiều người nhầm, và mình cũng nhầm, xong bị cười cho vào mặt =)) Nên lưu ý điểm này dù máy hoàn toàn full cơ và pin có hay không cũng không ảnh hưởng gì tới tổng thể hoạt động

Cuối cùng là bộ đếm kiểu và chân flash. Cũng vì lý do thẩm mỹ mà 2 phần này của máy được đưa xuống đáy máy, gây ra một vài bất tiện trong việc quan sát và sử dụng. Nhưng nhân danh cái đẹp, chịu khó một chút cũng không sao mà nhỉ?

Tóm lại, tổng hợp những ưu điểm và bỏ qua những lấn cấn không đáng kể về trải nghiệm, Rollei 35S và các anh em của nó là một chiếc máy cực kì phù hợp với những người chuyên chụp streetlife, muốn có trong tay một cái máy nhỏ gọn, thao tác nhanh, ít gây chú ý, chất lượng hoàn thiện máy và chất lượng ảnh tốt mà vẫn thích những nét cổ điển đúng nghĩa “analog” cùng cái giá ổn ở hiện tại. Sau khi sở hữu một em thế này mà tốc độ đốt phim của anh chị em tăng lên gấp bội, thì đấy không phải lỗi của mình nhé 😀

By Duy Tung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *