[Review] Contax T2 – thay đổi cách nghĩ về Point and Shoot

Cách đây chỉ mới 2 năm tôi không quan tâm lắm tới máy Point and shoot chụp film, có lẽ tại thị trường vài năm trước chỉ xuất hiện vài chiếc PnS zoom, vỏ nhựa, view tối, lấy nét zone… cũ kỹ.

Nhưng Contax T2 là một câu chuyện khác.

Contax T2 ra mắt năm 1990, hướng tới đối tượng nhiếp ảnh chuyên nghiệp và người tiêu dùng hàng xa xỉ nhằm cạnh tranh với Leica Minilux. T2 được bán với 4 màu: màu bạc champagne, màu đen nòng súng, màu xám titan, màu vàng khối. Trong đó màu vàng khối là phiên bản kỷ niệm nên có giá cao nhất (>2000$).

1. Thông số kỹ thuật và thiết kế

Bài review không thể thiếu thông số:

  • Film: 135 loại film có DX code để tự nhận iso từ 25 – 5000. Nếu film không có DX code máy sẽ tự nhận là iso 100.
  • Lens: Carl Zeiss T* Sonar 38mm, f/2.8 – f/16, 5 thấu kính
  • Shutter: 8s – 1/125s ở chế độ ưu tiên khẩu Av, 8s – 1/500s ở chế độ Program
  • Bù trừ EV: ±2EV, bước nhảy 1/2 EV
  • Flash: gắn cứng trên máy, có chế độ khử mắt đỏ. Thời gian sạc lại flash sau mỗi lần chụp flash là 3.5s.
  • Pin: pin 3V CR123 hoặc các pin khác có hiệu điện thế tương đương.
  • Size: 119 x 66 x 33mm
  • Chồng hình: không

Máy cầm vô cùng đầm tay dù kích thước nhỏ, tuy cảm giác không ‘đặc’ bằng Nikon 28Ti nhưng độ bền được report cao hơn rất nhiều. Chiếc mình có là chiếc màu bạc champagne, bên ngoài lớp vỏ titan không rõ có phải lớp sơn không nhưng chắc chắn có lớp coat cùng màu mỏng. Một số máy cũ sẽ hơi có vết bong tróc coat này.

Cò chụp của T2 cảm giác không tốt bằng SLR, thua xa Nikon 28Ti, cảm giác bấm nửa cò rất khó nhưng có lẽ là tình trạng chung của phần lớn PnS film.

Vòng khẩu chỉnh ngay trên lens, trong đó tách riêng mode chụp flash riêng. Việc này tương đối quan trọng để tránh việc máy tự động chụp flash mà mình không biết trước. Nấc khẩu khá  là êm nhưng vẫn cảm thấy rõ khi vào khấc. Ở khẩu 2.8 được sơn màu xanh để đánh dấu mode Program (đọc thêm mục 4).

Tiếng màn chập máy chụp rất rất êm, hầu như khó nghe thấy. Do là máy PnS nên sau khi chụp máy tự động tua film ngay. Màn LCD ở góc chỉ có vai trò thể hiện số kiểu chụp.

Cơ chế tua film về vỏ film cũng như các máy PnS cùng thời, đó là máy tiếp tục tua, cho tới lúc nào đó trục film tua bị nặng, không thể kéo film tiếp được nữa thì máy lập tức tua ngược lại hết film vào trong vỏ. Vậy nên máy vẫn có thể chụp >36 kiểu. Thực tế mình dùng luôn luôn chụp được 37 kiểu.

Note: nhiều người lầm tưởng các máy có nhận DX code của film có thể đếm được số kiểu của film để biết lúc nào sẽ tua ngược khi hết cuộn vì trên film có DX ghi số kiểu. Việc này là không chính xác vì như mình biết tới tận Nikon F4s cũng không đếm được số kiểu bằng DX code, mà vẫn dùng cơ chế tua film cho tới khi nào thấy nặng trục thì dừng lại để cuốn film. Để nhận biết điều này, bạn chỉ cần nhìn vào ô để film của máy, nếu có 1 hàng chấu điện đọc DX code tức là nó dùng để chỉ đọc ISO, không thể đọc được số kiểu. Lý do số kiểu được ghi trên dòng thứ 2 của DX code, bên cạnh dòng ISO. (đọc thêm bài này)

Máy chỉ có một hàng chấu điện đọc DX code, nghĩa là nó chỉ đọc được ISO, không đọc được số kiểu film.

2. Viewfinder
Contax T2 có Viewfinder rất to và rất sáng. Nếu nói về độ sáng thì ngang bằng với các máy Nikon 28Ti, 35Ti và chỉ kém các máy SLR một chút. Viewfinder của máy có đầy đủ điều chỉnh cho khung hình (frame correction) và cả điểm lấy nét khi lấy nét ở vật gần.

(1): khung hình khi lấy nét vật ở xa >1m (2): Khung hình khi lấy nét vật ở gần <1m (3): Điểm lấy nét khi vật ở xa >1m (4): Điểm lấy nét khi vật ở gần <1m

Điều chỉnh điểm lấy nét cho chụp vật gần <1m (vòng nét đứt số 4 trong ảnh trên) của máy hoạt động tương đối chính xác, lấy nét đúng chủ thể trong khoảng 90% trường hợp. Đối với vật ở xa sử dụng vòng lấy nét liền (số 3 trong ảnh) hoạt động rất chính xác, tuy nhiên nếu chủ thể nhỏ và ở tương đối xa thì độ chính xác cũng khoảng 80-90%.

Trong frame còn có đèn báo tốc độ và đèn báo nét (các bạn tham khảo thêm manual). Trong đó đèn báo nét hoạt động ở với cả manual focus (điểm cộng lớn cho máy này).

3. Lens và autofocus

Về Lens, máy dùng lens Carl Zeiss Sonar 38 f/2.8, chỉnh vòng khẩu ở trên lens, thò thụt khi lấy nét chụp. Tuy lens rất bé nhưng vặn vòng khẩu này không quá khó khăn, và chắc chắn thoải mái hơn việc chỉnh khẩu bằng bánh xoay như Nikon 28Ti hay Leica Minilux. Lens Carl Zeiss 38 f/2.8 chất lượng rất tốt, lens vô cùng sharp so với một chiếc PnS, chụp màu tương đối tốt, và đen trắng thì rất mỹ mãn. Tối góc xuất hiện ở f/8 khá rõ rệt.

Kodak Gold 200

Kodak Tri-X 400

Crop 100%

Tôi nhất trí với ý kiến một anh bạn, là lens Sonar là dòng giá rẻ nhất của Carl Zeiss, chất lượng thấp nhất trong các loại T*, việc nó chụp đen trắng đẹp có lẽ chỉ là do may mắn.

Autofocus của máy không hoạt động khi bấm nửa nút chụp, mà chỉ hoạt động khi bấm full nút chụp. Nghĩa là bấm nửa cò để lock vị trí cần focus và exposure, lens không di chuyển, khi bấm full nút chụp thì lens mới thò thụt đẻ lấy nét theo khoảng cách mà đã tính toán trước, màn chập hoạt động, lens thu về vị trí cũ và tua film kiểu tiếp theo hoạt động.

Kodak Gold 200

Máy focus rất nhanh, êm và chính xác, nếu dùng đúng vòng lấy nét xa và gần trong viewfinder. Tuy nhiên do ngắm 1 nơi lấy nét 1 nơi nên có sai sót trong một số trường hợp vật cần lấy nét nhỏ, background phức tạp hoặc vật lấy nét ở quá gần (đèn báo nét báo nhầm cho chụp background).

Cá nhân tôi từ lúc dùng máy, autofocus chính xác trong hầu hết mọi trường hợp. Vô cùng hài lòng.

Manual focus của máy dùng việc vặn bánh xoay để điều chỉnh khoảng cách lấy nét, đèn báo nét cũng hoạt động ở manual focus, tuy nhiên do quãng đường vặn vòng lấy nét nhỏ (dù bánh xoay rất trơn tru) nên manual focus khá là bất tiện.

4. Đo sáng và auto mode

Agfa Vista 400 (Superia 400 rebranded)

Máy đo sáng bằng một bóng đo sáng gắn ngay trên lens, đo sáng vùng trung tâm khung hình. Khi bấm nửa cò thì đo sáng được lock, tuy nhiên cả điểm lấy nét cũng được lock. Nếu muốn giữ giá trị đo sáng và lấy nét lại thì buộc phải chụp manual focus.

Program mode của máy tương đối dễ hiểu, nếu chỉnh ở các nấc khẩu từ f/4 – f/16, máy luôn ở chế độ đo sáng Av với tốc tối đa là 1/125. Nếu tốc rơi vào ngoài khoảng trên thì sẽ bị dư sáng. Ở nấc khẩu 2.8 được sơn màu xanh báo hiệu nấc mà Program hoạt động. Xem chart sau để hiểu cách hoạt động của Program trên Contax T2:

Trục tung bên phải thể hiện các nấc khẩu từ 2.8 – 16. Trục hoành thể hiện tốc độ chụp từ 1/500s – trên 1s. Các đường chéo là EV, tạm thời chưa quan tâm tới nó. Ta nhìn các đường màu xanh là cách hoạt động của Av và Program trên T2.

Các đường màu xanh nằm ngang thể hiện Av mode khi khẩu độ set cứng là 1 giá trị, tốc độ thay đổi từ 8s – 1/125s và nhỉnh hơn một chút khi khẩu độ lớn dần, từ tốc 1/250s thì không hoạt động.

Còn đường màu xanh nằm chéo có ghi “Program AE” là diễn biến cặp khẩu-tốc khi Program mode hoạt động, và nó nối tiếp vào đường Av tại khẩu 2.8, nghĩa là Program mode chỉ hoạt động khi khẩu set tại 2.8, và khi tốc từ 1/250 trở lên, khẩu độ sẽ tự động nhảy dần theo (mặc dù trên lens vẫn set cứng là 2.8). Tóm lại, chỉ cần set khẩu về 2.8, ta có trong điều kiện tối máy sẽ chụp ở 2.8, khi trời sáng máy sẽ tự động nhảy sang Program và chọn cặp khẩu-tốc hợp lý.

Mặc dù đã set khẩu ở 2.8 nhưng do khung cảnh rất sáng nên máy chuyển sang Program mode, f/11, 1/500s

5. Tổng kết

Contax T2 là một chiếc máy tốt, thiết kế chắc chắn, hoạt động hoàn hảo và quá dễ sử dụng. Giá Contax T2 bị đẩy lên vô cùng cao từ sau khi Kendall Jenner mang chiếc T2 màu xám titan tới chương trình của Jimmy Fallon.

Tôi nghĩ T2 thay đổi cách mà tôi chụp ảnh rất nhiều, việc chụp ảnh trở nên nhẹ nhàng đơn giản hơn, có thời gian tận hưởng việc chụp ảnh nhiều hơn là quan tâm tới việc chọn các thông số khẩu tốc rồi vặn lấy nét trên máy. Không phải bàn cãi về việc tốc độ ‘đốt’ film của tôi đã tăng gấp bội.

Như anh bạn tôi nói: “Nếu em có một chiếc máy film chụp dễ dàng thoải mái, lúc đó em thấy mình đang chụp ảnh chứ không phải chụp film“.

Bài viết bởi Dat Tran từ http://trpdat.com
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *