[Review] Nikon L35 – vượt kỳ vọng cho chiếc compact film giá rẻ

Nhắc tới các máy Point & Shoot film người ta chỉ nhắc tới Leica Minilux, Contaxt T3, Nikon 35Ti, Ricoh GR1s, Olympus Mju…, nhưng Nikon L35 có lẽ bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Không ngoài tầm ảnh hưởng chung, giá của L35 cũng đã lên gần gấp đôi, giá hiện nay khoảng 80$ so với 500k so với cách đây 1 năm.

Nikon L35 có các đời L35AF – AF2 – AF3, L35AD – AD2 – AD3. Trong đó AD = Auto Date là dòng có sẵn databack. Chiếc mình có là Nikon L35AD2.

1.Thông số kỹ thuật và build

  • Film: 35mm, chỉ đọc được film có DX code ISO từ 50 – 1600. Nếu gắn film không có DX code sẽ đọc là ISO 100.
  • Lens: Nikon 35 f/2.8 – f/17 gồm 5 thấu kính thiết kế kiểu Sonnar bởi Koichi Wakamiya.
  • Shutter: 1/8s – 1/430s
  • Flash: GN 10 ở iso 100, built-in và hoàn toàn tự động (có thể manual tắt), chỉ có 1 chế độ chụp, không khử mắt đỏ. Thời gian sạc đầy flash 6s.
  • Pin: 2 viên pin tiểu AA ( điểm cộng vô cùng lớn cho dòng máy này). Databack dùng pin CR 2025. Tuổi thọ 67 cuộn 36 kiểu nếu không dùng flash.
  • Bù trừ EV: không
  • Filter: không nhưng các dòng AF, AF2, AD có ren fiter 46mm, ưu điểm vượt trội so với các dòng máy T2 T3.

Máy cầm khá đầm tay, máy hơi to (so với T2) nhưng không phải quá to, cũng chỉ như cầm một chiếc Samsung Note. Build bằng nhựa nhưng linh kiện bên trong khá nặng nên cầm lên không thấy cảm giác rẻ tiền. Lens không thò thụt nên không ngại khi va chạm nhẹ.

Cò bấm của máy khá tệ, to và nặng, cảm giác bấm nửa cò hơi sâu. Âm thanh chụp lại khá êm, không êm tai nhưng không ồn. Tiếng ồn duy nhất của máy là ở cơ chế tua film. Tuy nhiên máy tách riêng ra 2 giai đoạn: bấm chụp không nhả ra thì màn chập chụp, nhả cò chụp ra thì máy mới tua film. Vì vậy nếu không muốn ồn ào, có thể bấm chụp và giữ nút chụp và di chuyển tới nơi khác mới nhả tay ra để tua film.

Các dòng AF, AF2, AD có ren 46mm ở lens, nghĩa là có thể gắn được cả filter và hood.

Trên thân máy không có điều chỉnh EV là điểm trừ lớn đối với máy auto, tuy nhiên do hướng tới phân khúc thấp hơn Contax T2, T3 và với giá bằng 1/10 nên chấp nhận được.

Sau lưng máy có một hình vuông có kẻ sọc. Khi máy tự động tua film, hình vuông này sẽ xoay tròn báo hiệu film được tua thành công, nhằm phân biệt với việc trượt đầu film mà máy vẫn tua film. Dưới đáy máy có 2 nút để kích hoạt việc tua film về vỏ. Khi tua hết, máy tự động để lại khoảng hơn 1cm film thò ra. Điều này vô cùng tiện mỗi khi ai đó bị kẹt film không thể chụp tiếp, hoặc giữa chừng vì lý do nào đó phải đổi film sang máy khác, hoặc đơn giản tráng film đỡ phải kiếm cái kẹp đầu film.

2. Viewfinder
Viewfinder của máy độ sáng bằng khoảng 80% so với T2, có tráng phủ màu vàng chống lóa. Trong viewfinder không có gì nhiều, chỉ có frame lấy nét và điểm lấy nét. Ngoài ra ở phía dưới có thước đo khoảng cách focus.

Kim chỉ thước đo focus hoạt động rất chính xác, giúp kiểm tra tính chính xác của AF. Contax T2 không có chức năng này nên khi focus nhầm điểm cũng không thể biết được. Đây là tính năng có ở Nikon 28Ti, 35Ti, Minolta TC-1…. Kim báo khoảng cách lấy nét này hoạt động tương đối chính xác.

3. Lens và autofocus
Lens của máy là thế hệ tiền đề của Nikon 35Ti nên chất lượng của tất cả các dòng AF và AD rất tốt. Lens nói chung rất sharp, chống flare rất tốt (tôi thấy không thua gì tráng phủ T* trên T2). Điểm trừ của lens là khoảng cách focus gần nhất là 80cm (T2 chỉ có 70cm)

Chụp ngược sáng hầu như không thấy xuất hiện flare

Autofocus của máy ở mức khá, focus nhanh, chậm hơn T2 nhưng cũng không phải là quá chậm với người chụp film. Vấn đề ở chỗ bấm nửa cò khá khó vì nút hơi sâu nên khó lựa đúng vị trí chạm cò chính xác. Hệ thống lấy nét của máy cũng là acitve – infrared như các máy cùng thời tuy nhiên so với T2 có phần kém chính xác hơn. Việc kém chính xác hơn không hoàn toàn do bộ autofocus mà do vòng tròn điểm lấy nét trong viewfinder không chính xác lắm, điểm này hơi to, view ngắm hơi lệch nhiều so với lỗ phát infrared nên lấy nét phải có ngắm lệch một chút về phía dưới thì chuẩn hơn.

Hệ thống lấy nét hồng ngoại chủ động (active – infrared) được sử dụng hầu hết các máy PnS film. Hệ thống phát một tia hồng ngoại và đo đạc góc phản xạ để xác định khoảng cách cần lấy nét. Hệ thống kém chính xác khi: vật lấy nét phát ra hồng ngoại (lò rèn, đèn hồng ngoại y tế…), quá sáng (mặt trời, bóng đèn), quá xa trên 5m (phong cảnh…), hoặc quá nhỏ (nhỏ hơn diện tích của vòng tròn lấy nét trong viewfinder).

4. Đo sáng và auto mode
Bù đắp cho việc cò bấm lởm thì hệ thống đo sáng vô cùng chính xác. Không có gì để chê về phần này. Máy sử dụng pin AA rất dễ mua, hơn hẳn các máy khác dùng CR123 vừa đắt lại khó mua.

Automode của máy khá đơn giản, máy chụp khẩu lớn nhất 2.8 cho tới khi tốc đạt 1/60s, sau đó thì tăng dần khẩu và tốc. Tuy nhiên nếu tốc của máy xuống dưới 1/30s thì máy sẽ nhảy flash lên. Khi flash nhảy lên phải chờ flash sạc xong (đèn báo) mới bấm chụp được. Nếu không muốn chụp với flash, đơn giản là lấy tay trái ấn cái flash xuống và giữ chặt, không cho flash bật lên là xong. Lúc này máy sẽ chụp với f 2.8 và tốc giảm dần tới 1/8s.

Tấm ảnh này cưỡng ép flash xuống

5. Ảnh và kết luận
Với cái giá 1-2tr là quá đẹp cho một chiếc máy PnS film với lens tốt để bắt đầu. Nếu so với các máy PnS zoom khác thì chiếc này xuất sắc hơn nhiều ở tầm giá này.

Ảnh và bài viết by Dat Tran

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *