Sau vài năm không đụng tới máy film 135, hồi đầu năm tôi có quay lại chụp với Contax T2 nhưng nhanh chóng quay về một máy SLR để có chất lượng ảnh cao hơn phục vụ rọi ảnh. So với hồi dùng Nikon FM2N từ 2016 trở về trước, lần này tôi không quay lại Nikon nữa mà chuyển sang Olympus OM2N.
1. Thiết kế
OM2N trong đó O là Olympus, M là Maitani.
OM2N đúng như tên gọi, thể hiện không ít nỗ lực của Yoshihisa Maitani trong việc cố gắng thiết kế một chiếc máy ảnh riêng cho Olympus chứ không phải rebrand lại từ một hãng máy ảnh khác như đề xuất của nhiều kỹ sư hãng thời đó. Máy thực sự rất nhỏ, không nhẹ nhưng cảm giác tương đối chắc chắn.
Khác biệt lớn nhất so với FM2N là ở việc đưa vòng tốc lên phía trước, núm bên tay phải đã chuyển thành EV và ISO, núm bên tay trái là công tắc. Ban đầu tôi nghĩ việc đưa vòng tốc lên trên sẽ khó sử dụng nhưng thực ra cũng có cái thuận tiện của nó, như việc tay phải không rời cò chụp, tay trái sẽ chỉ vặn khẩu và tốc, ngoài ra do máy có Auto nên tôi cũng không sử dụng vòng tốc chụp manual mấy.
Tuy nhiên dù sao cũng là dòng máy tầm thấp-trung, vậy nên phần cơ cũng ở mức trung, phần kém nhất của máy có lẽ ở cơ chế lên phim. Khi lên phim có cảm giác khá yếu ớt, âm thanh như tiếng vặn nắp chai nước suối còn seal vậy, nghe rõ các tiếng bánh răng và cót va vào nhau. Kinh nghiệm cho thấy nên lên film chậm nhưng hết đà để tránh cò chụp thì lên nhưng film lại không tua hết (mình bị vài lần).
Máy dùng màn chập vải nên tốc tối đa đạt 1/1000s.
2. View và lấy nét
View ngắm rất to và sáng, có lẽ không thể làm được một cái view tốt hơn thế trong một body nhỏ gọn như vậy. Vòng lấy nét mặc định là kết hợp nét cắt và hoa dâu. Mình thay bằng view toàn nét cắt, thấy việc lấy nét dễ dàng hơn nhiều vì vùng nét cắt to hơn.
Bên trong view ngắm có kim chỉ tốc và dấu +/- thể hiện giá trị đo sáng. Về cơ bản ở manual mode thì kim cũng khá dễ nhìn, tuy nhiên kim hơi lắc nhẹ khi rung máy nên hơi khó xác định kim đã ở vị trí đúng sáng hay chưa. Ở auto mode thì mọi việc đơn giản hơn vì kim chỉ có nhiệm vụ trỏ sang số tốc mà máy sẽ chụp.
3. Đo sáng và Auto mode
Bù lại cho phần cơ yếu kém, đo sáng của máy được thiết kế tinh vi và tốt vượt bậc so với các máy cùng thời đó và thậm chí cả ngày nay.
Nói chung tất cả các máy SLR đều đặt đo sáng ở gần khối ngũ giác nơi đặt view ngắm, và giá trị đo sáng có thể thể hiện ngay trong view. Tuy nhiên với OM2N, ngoài hệ thống đo sáng đặt tại viewfinder như thông thường, máy có một hệ đo sáng thứ cấp gồm 2 tế bào đo sáng đặt tại gần ngàm lens, quay mặt đo sáng về phía màn chập. Màn chập của máy cũng được sơn phủ một ma trận sao cho phản xạ được 18% ánh sáng:
Cơ chế hoạt động bộ đo sáng thứ cấp (chỉ ở Auto mode) như sau: bất kể giá trị đo sáng của bộ phận sơ cấp (trên viewfinder) hiện giá trị bao nhiêu, sau khi lên film và bấm chụp, gương được lật lên, ánh sáng đi qua lens, đập vào ma trận sơn trên màn chập trên, phản xạ vào 2 tế bào đo sáng Silicon Blue Cells và máy tính toán ra giá trị tốc cuối cùng và đóng mở màn chập theo giá trị tốc này.
Ý nghĩa của việc này là giải quyết vấn đề ánh sáng thay đổi từ lúc ngắm tới lúc chụp, luôn đảm bảo ảnh có exposure chính xác tại thời điểm gương lật lên. Thấy rõ nhất điều này khi chụp phơi sáng, bất kể không gian phơi sáng tối như nào, máy vẫn luôn đo đạc ánh sáng và tính toán thời gian ngay tại lúc gương lật lên.
Đối với OM2 thì ma trận này thiết kế khác một chút, ta có thể thấy nơi đo sáng tập trung gần vào giữa ảnh là nơi mà mọi người bố cục chủ thể.
Có thể nói Auto mode là thứ đáng giá nhất của OM2N, hoạt động vô cùng chính xác nhờ cơ chế đo sáng TTL. Tuy nhiên điều này lại phụ thuộc vào pin. Máy có thể dùng 2 viên pin LR44 1.5V, nhưng ban đầu máy được thiết kế để dùng pin Silver Oxide 1.55V nên thực tế khi mình gắn pin Silver Oxide lên thấy kim đo sáng chỉ tốc thấp hơn một chút, nghĩa là LR44 sẽ cho đo sáng hơi thiếu so với Silver Oxide.
4. Về lens 35 f/2.8 SC
Đây là lens 35mm mình chọn dùng với OM2N, lens giá rẻ, dễ tìm mua. Coating là SC (single-coated) nên ngả màu vàng bã trầu. Màu vàng này nhìn khá rõ trên view, nhưng lên ảnh không bị ám vàng. Lens rất sharp dù là đời SC. Coating bã trầu được đồn là cho màu vintage nhưng tôi thấy cũng không quá khác biệt với MC. Tôi recommend lens này cho những bạn bắt đầu với Olympus mà muốn dùng lens 35mm.
5. Về lens 50 f/1.4 MC
Đây là lens MC (multi-coated) series 11xxxx đời cuối cùng, là lens có đời coating tốt nhất. Lens tương đối sharp ở f/1.4 và rất sharp khi khép xuống f/2. Coating chống flare tốt, ngoài ra tôi không thấy khác biệt nhiều với SC. Tôi recommend lens đời SC cho những ai budget vừa phải. Với Olympus thì lens MC ngoài việc chống flare tốt thì hầu như không vượt trội nhiều so với SC mà giá lại cao hơn nhiều.
6. Tổng kết
Đối với người ưu tiên máy auto Av nhưng chất lượng ảnh cao thì các đời máy Olympus gồm có OM2, OM2N, OM4, OM4-T là sự lựa chọn tốt. Trong đó OM2 và OM2N gần tương tự nhau, khác biệt không quá đáng kể phần cơ. OM4 thì nhiều tai tiếng về rò điện, OM4-T thì giá rất cao. Vậy nên OM2N là lựa chọn hợp lý cho budget 2-2.5tr cho body.
Máy thực sự dễ dùng, hệ lens chất lượng cao và giá rẻ so với Nikon. Đo sáng chính xác. Thực sự là một hệ máy dễ dùng và vô cùng đáng mua cho những người muốn sử dụng một máy có auto. Tôi tuy có các máy hệ khác chất lượng cao hơn nhưng vẫn giữ lại một body OM2N cho những lúc cần chụp với auto nhanh chóng và ít phải suy nghĩ nhiều về đo sáng.
Chúc các bạn chụp vui!
Bài viết bởi Dat Tran từ http://trpdat.com