[Phòng tối] Cái thú của người chụp film – Phần 3: Những cách tráng film hiệu quả nhất

Vâng, có thể sau loạt bài về tráng film cơ bản thì có thể một số bác đã có được chút khái niệm sơ cấp, hay có thể là một số kiến thức tương đối về tráng film, cũng như sau loạt bài này, có bác đã khóa mình hàng giờ trong phòng tối để sau đó tự sung sướng với sản phẩm của mình, cái có thể chưa thật sự hoàn hảo nhưng cũng đáng để tự hào. Ở đoạn kết của phần tráng film cơ bản em có đề cập đến những sai sót trong tráng film mà ta có thể gặp phải trong quá trình làm việc với phòng tối, cái mà sẽ được trình bày tiếp theo đây. Nhưng trước hết ở bài tiếp này các bác cho em đề cập đến một vấn đề sâu hơn một chút về tráng film, đó là cách để làm sao có thể tráng film hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây được hiểu như cách chọn những loại film để từ đó tương ứng với từng loại thuốc tráng, cách tráng từng bước để làm sao tránh được những tác động xấu đến film.

Có lẽ việc đầu tiên của công đoạn tráng film, việc rút film ra khỏi hộp chứa film và cuộn nó vào tank em sẽ không đề cập cụ thể nữa vì cái đó đã được trình bày rõ ràng ở phần trên của loạt bài. Em chỉ có một chú ý nhỏ là khi tháo film ra khỏi hộp, film phải được ở trong môi trường tối hoàn toàn, cái này có thể ảnh hưởng đến film nhiều. Điều quan trọng hơn để đạt được kết quả như ý là cách chọn các loại film phù hợp, cách dùng những loại thuốc hiện khác nhau, và cuối cùng là cách tráng (thời gian, nhiệt độ và cách „xóc lọ“).

1/ Đôi lời về các loại film đen trắng thông dụng:

Chắc chắn rằng chẳng cần em giải thích thì các bác cũng biết được ở film đen trắng, yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ảnh nhiều nhất là ISO. ISO quyết định độ sạn của ảnh (noise) đặc biệt là khi ảnh được phóng lớn hơn khổ A4 bằng phương pháp thủ công. Cách chọn ISO thế nào thì phải tùy thuộc vào sở thích cũng như mục đích sử dụng của mỗi người. Nói chung thì trong thời điểm này ta có rất nhiều chọn lựa khi mua film. Các hãng sản xuất film cạnh tranh với nhau thường thông qua ISO của film. Mỗi loại film cho một độ sạn cũng như hạt sạn khác nhau, nói một cách khác thì mỗi loại film „ăn sáng“ (ăn ánh sáng – em gọi thế cho nó thuần Việt một cách khác nhau. Cách ăn sáng của từng loại film cũng quyết định độ tương phản trong ảnh. Theo cách ăn sáng ta có thể chia film ra làm ba loại: Loại ăn sáng ít: film có ISO đến 50, loại ăn sáng trung bình (ISO = 100-200), loại ăn sáng cao (ISO = 400-1000) và cuối cùng loại ăn… nhiều sáng (ISO từ 1600 trở lên). Những hãng sản xuất film có tiếng như Ilford, Kodak hay với người chụp phong cảnh là Rollei thì thường cho ra những sản phẩm với ISO lớn nhưng lại cho sạn nhỏ và tương phản tốt, nhưng nhìn chung thì nếu ISO càng cao thì độ tương phản càng thấp và càng sạn. Nguyên nhân thứ hai từ tính chất ăn sáng của film ảnh hưởng đến chất lượng ảnh là cách mà film đen trắng hoán đổi tông màu. (từ màu đen hoàn toàn tới trắng hoàn toàn có nhiều tông màu xám mà phần lớn mắt thường của ta không ghi nhận được, những tông màu xám này quyết định độ sâu của ảnh). Thường thì film với ISO thấp cho ta nhiều tông màu xám hơn so với film có ISO cao. Điều này theo em nghĩ do các hạt ăn sáng ăn nhiều ánh sáng khiến film nhiều màu trắng, màu xám bị giảm bớt. Việc ảnh hưởng của ISO tới tông màu của film là một trong những nguyên nhân tại sao ta sử dụng film với ISO thấp cho ảnh phong cảnh và ngược lại, film với ISO cao cho ảnh đời thường.
Kinh nghiệm của em là để cho công việc trong phòng tối trở nên dễ dàng hơn các bác nên thử qua các loại film đen trắng rồi chọn lấy một loại mình ưa thích nhất để từ đó có thể chú tâm vào việc tráng rửa. Các bác cũng nên có một cái tủ lạnh để lưu trữ film vì không phải lúc nào và ở đâu các bác cũng kiếm được loại film ưng ý của mình.


2/ Các loại thuốc hiện và tích chất:

Thuốc hiện giành cho film đen trắng được chia ra làm bốn loại: Thuốc hiện thông dụng với sạn mịn, thuốc hiện với sạn siêu mịn, thuốc hiện với sạn lớn, sắc và thuốc hiện đặc biệt.

a) Thuốc hiện thông dụng: Thuốc hiện thông dụng mang tính kiềm yếu và thời gian tương tác của thuốc với film thường chậm. Ở đây không có gì để nói nhiều về thuốc hiện thông dụng vì tính chất của nó không làm ảnh hưởng nhiều đến film. Thuốc hiện thông dụng không làm tăng hay giảm tương phản cũng như tông màu. Chích vì lý do „thông dụng“ mà thuốc hiện loại này được sử dụng rộng rãi nhất. Một số loại thuốc hiện thông dụng có thể tìm thấy dễ dàng ở các cửa hàng bán đồ tráng film (ở VN thì em không biết ở đâu bán) là: Kodak D-76, Ilford ID-11, Microphen, Terenal Neofin Blue và từ Czech có Foma Fomadon N, P, LQN.

b) Thuốc hiện với sạn siêu mịn: Chích tên gọi của thuốc hiện đã nói lên toàn bộ tính chất của nó. Thuốc hiện này đẩy các hạn ăn sáng không cho hiện hoàn toàn khiến cho bức ảnh mịn hơn cho giù được chụp ở ISO cao. Người ta thường sử dụng thuốc hiện này để tráng film mà cần phóng ảnh với khổ lớn. Điều quan trọng ở đây là film phải được chụp „đủ sáng“ (thiếu sáng hoặc thừa sáng có thể gây ảnh hưởng tới ảnh đặc biệt là tông màu của nó – cũng giống như khi các bác chuyển BW trong photoshop chưa chuẩn í. Ví dụ của loại này là: Agfa Atomal, Ilford Perceptol, Tetenal Ultrafin, Kodak Microdol-X và Foma Fomal.

c) Thuốc hiện với sạn lớn, sắc: Thuốc hiện này mang tính kiềm mạnh, việc này dẫn tới việc film được tráng sẽ có sạn lớn, rõ và sắc nét cũng như tương phản cao. Việc này do nồng độ của thuốc thường là cao và từ đó thời gian tương tác với film cũng thấp hơn so với các loại thuốc khác. Ta có thể tìm thấy trên thị trường thuốc hiện này với ký hiệu: Agfa Rodinal, Ilford Ilfotec HC, Kodak HC 110, Tetenal Neofin Red, Neopress HC, và Foma R 09, Fomadon LQR. Hay một số thuốc hiện đại hơn như: Kodak XTol, T-Max, Ilford Ilfosol DD-X, Tetenal Negafin, Fomadon Excel.

d) Thuốc hiện đặc biệt: Là những loại thuốc với cách sử dụng đặc biệt, loại thì dùng để tráng hai lần cho kết quả tuyệt vời, loại giành cho những film đặc biệt, loại chuyên để „kích“ các tông màu xám lên… Về các loại này em xin chỉ dừng lại ở đây vì thứ nhất em cũng chưa sử dụng các thuốc hiện đặc biệt bao giờ và thứ hai đối với người tráng film cơ bản thì thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.

Tất nhiên thì ngoài những loại thuốc hiện em đã nêu trên đây thì ta còn tìm thấy một số loại thuốc khác với những tính chất khác nhau. Một lần nữa em xin nhắc lại ở đây, việc lựa chọn thuốc hiện phải phù hợp với film, phù hợp với khả năng và quan trọng nhất là sở thích của các bác.

3/ Quá trình tráng film:
Trong quá trình tráng film ta có thể ảnh hưởng đến chất lượng của film bằng: Cách xóc lọ, nhiệt độ, thời gian tương tác của film và thuốc. Ở đây em cũng xin lưu ý ngay với các bác là những ảnh hưởng này không phải lúc nào cũng đúng với tất cả các loại film, nghĩa là ta cần phải có kinh nghiệm để lựa chọn những yếu tố có lợi nhất. Chích vì thế mà ở phần trên của bài viết em khuyên các bác sử dụng chủ yếu một loại film và cũng nên tập chung dùng một loại thuốc hiện, chắc cái này các bác tiền bối cũng đồng ý với em nhỉ?

a) Cách xóc lọ: Theo lô-gíc thì khi ta xóc tank càng nhiều thì tương phản của film tráng càng lớn và ngược lại. Điều này được giải thích bằng tương tác giữa hóa chất hiện với lớp hóa chất trên mặt film diễn ra nhiều hơn và hóa chất trên film tương tác với hóa chất hiện thường xuyên hơn và luôn được thay đổi. Ngược lại, khi ta xóc tank ít sẽ làm cho tương tác này kém và lớp hóa chất hiện bám trên film không được thay đổi liên tục, khiến cho nó bị thoái hóa nhanh và từ đó sẽ không đủ để cho lớp hóa chất trên film phản ứng hoàn toàn và film sẽ thiếu tương phản và sắc nét.

b) Nhiệt độ khi tráng film: Ở đây như em đã nói ở phần bài viết trước, nếu nhiệt độ thuốc hiện càng cao, thì quá trình phản ứng diễn ra càng nhanh và điều đó nghĩa là ta phải rút ngắn thời gian tương tác lại. Và ngược lại cũng vậy, nếu nhiệt độ của thuốc hiện thấp sẽ là nguyên nhân khiến ta phải giảm thời gian tương tác để có một kết quả tốt. Thường thì thuốc hiện có thể dùng được là ở nhiệt độ từ 18-22oC, trong đó nhiệt độ 20oC được coi là nhiệt độ lý tưởng nhất. Cái bất lợi của thuốc hiện với nhiệt độ cao là sẽ làm cho film sạn hơn và ít tương phản hơn sau khi tráng. (tất nhiên có một số loại film yêu cầu nhiệt độ tráng trên 20oC, nhưng em cũng chưa dùng bao giờ nên sẽ xin không nói đến nó).

c) Thời gian tương tác: Cái này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tráng film. Thời gian tương tác lâu sẽ làm cho film nhiều tương phản và ngược lại, nếu thời gian này ít sẽ làm film kém tương phản và không rõ. Cũng bằng việc thay đổi thời gian tương tác ta có thể tác động trực tiếp đến độ sáng tối, tương phản của film khi cần thiết, nhưng sự bất tiện của việc tăng, giảm thời gian tương tác thường thì sẽ làm cho film có nhiều sạn hơn và các vùng sáng cũng bị sử lý kém hơn.

Cũng có thể nói cách pha thuốc cũng làm ảnh hưởng đến film tráng, nhưng thường thì các loại thuốc hiện đều có ghi rõ liều lượng cũng như cách pha chế riêng, cũng như mỗi loại film đều đòi hỏi một nồng độ khác nhau của thuốc hiện. Việc lựa chọn giữa những thông số này cũng như cách làm hoàn toàn phụ thuộc vào người tráng film.

Có thể nói thời gian tráng và cách xóc tank là hai nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả của film tráng. Cũng từ việc thay đổi thời gian và cách xóc tank mà ta có hai phương pháp thường không xa lạ đối với dân „phòng tối“, đó là phương pháp „PULL“ và „PUSH“. Phương pháp PULL là ta rửa film với iso cao hơn bằng cách giành cho film với iso thấp hơn, và PUSH thì ngược lại, ta rửa film với iso thấp hơn bằng cách giành cho film với iso cao hơn. PULL và PUSH được dùng trong trường hợp khi chụp ảnh cần film có iso cao (thấp) hơn mà lại không có trong tay film phù hợp, và các bác chụp với máy được set cho film có iso cao (thấp) hơn khác với thực tế. Sau khi chụp xong thì ta dùng phương pháp PULL (PUSH) để tráng film. Hai cách này chỉ có hiệu quả trong vòng 2-3 EV („khẩu“ , còn nhiều hơn sẽ không còn tác dụng. Cái bất lợi của việc này là làm cho film nhiều sạn hơn bình thường (do phải tiếp xúc nhiều (ít) hơn với thuốc hiện và film bị thiếu tông màu (đặc biệt là một số tông xám – em không thích làm mấy cái này là vì thế).

Đến đây cũng là bài viết cuối cùng của em về tráng film, em cũng rất mừng là trong thời gian qua những bài viết này đã có ích cho một số bác bắt tay vào tráng film. Đúng ra là em còn định viết một bài nữa về các bài thuốc hiện tự làm cũng như những hóa chất ảnh hưởng trực tiếp đến film (tông màu, sạn hay tương phản….), nhưng những cái này em cũng chưa thử hết và không phải ai cũng có thể pha chế được (đòi hỏi một số kinh nghiệm nhất định cũng như những loại hóa chất cần thiết). Nếu người đọc đọc hết những bài viết này, em nghĩ rằng đã có thể thu được kiến thức khá hoàn chỉnh về việc tráng film (film 35mm) để cho ra những bức ảnh hoàn toàn theo ý muốn. Cuối cùng, em xin mượn câu của những người séc ham mê chụp ảnh để chúc các bác: „Chúc có nhiều ánh sáng đẹp“.

By Mr. Zui

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *