[Sưu tầm] Nikon F – Chiếc máy ảnh chuyên nghiệp tối tân đầu tiên trong lịch sử

Trải qua hàng thập kỷ, hành trình đi từ những chiếc máy phim cho tới những chiếc máy kỹ thuật số ngày nay đều mang đậm dấu ấn của một thương hiệu đến từ Nhật Bản mang tên Nikon. Sê-ri bài viết sẽ đưa bạn quay ngược thời gian để được trở lại trải nghiệm hành trình ấy thông qua từng chiếc máy ảnh Nikon SLR cũng như sự cải tiến và nâng cấp ở từng phiên bản.

Chiếc máy ảnh Nikon đầu tiên thực chất thuộc dòng rangefinder và được sử dụng bởi các nhà báo ghi lại cuộc chiến tranh Hàn Quốc vào đầu những năm 50. Tuy nhiên ở đây chúng ta sẽ chỉ đề cập tới những chiếc thuộc dòng SLR. Nếu muốn tìm hiểu thêm về dòng rangefinder của Nikon, độc giả có thể tìm đọc cuốn Nikon Rangefinder Camera được viết bởi Robert Rotoloni. Tác phẩm đồ sộ này mặc dù hơi khô khan nhưng bao hàm rất chi tiết những thông tin và hình ảnh về từng đời máy rangefinder của Nikon.

Quay trở lại với thế giới SLR, chiếc máy ảnh bắt đầu tất cả, chiếc máy mà được Ken Rockwell miêu tả như đã đưa Leica vào quan tài, chính là Nikon F. Nói về Nikon F, đặc điểm thiết kế quan trọng nhất của chiếc máy chính là ngàm “F”. Thật đáng kinh ngạc khi cho tới tận bây giờ, vào thời đại của những chiếc máy ảnh kỹ thuật số, Nikon vẫn sử dụng chiếc ngàm được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1959!

Nikon_f_black.jpg
Ngàm “F” hiện đã được dùng trong gần 60 năm (Ảnh: Arne List)

Nikon F là phiên bản đầu tiên trong sê-ri máy SLR chuyên nghiệp của hãng. Thực chất ta có thể nói Nikon F là một chiếc Nikon rangefinder được lắp thêm pentaprism bởi mặc dù những chiếc rangefinder trước đó không mang ngàm F, nhưng những chi tiết như màn trập làm từ titanium, nắp lưng, vòng chỉnh tốc hay nút bấm chụp đều gần như y hệt. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng màn trập titanium ở máy rangefinder của Nikon chỉ xuất hiện ở phiên bản Nikon SP với các đời có số sê-ri từ 6214000 trở đi; và khoảng 100 chiếc máy Nikon F đầu tiên thực chất lại có màn trập làm từ vải. Nikon F là chiếc Nikon đầu tiên có khả năng thay đổi gù và screens, cũng như được trang bị một loạt những phụ kiện kèm theo và tính năng thuộc hạng đỉnh nhất trong thế giới SLR thời bấy giờ.

s-l1600-7-800x600.jpg
Chiếc Nikon F được sản xuất thứ 87 cùng màn trập làm bằng vải (Ảnh: PetaPixel)

Tất cả những ai dùng Nikon F lúc đó đều thừa nhận sức bền và sự tin cậy mà chiếc máy này đem lại. Qua các năm thì chiếc máy cũng không có quá nhiều sự thay đổi. Mặc dù vậy, xuyên suốt quá trình khoảng 1 triệu máy được sản xuất từ năm 1959 tới 1974, hãng liên tục cải thiện chiếc máy cùng những vật liệu và công nghệ mới từ chính nghiên cứu của mình.

Chiếc Nikon F đầu tiên được đi kèm với gù không đo sáng, hay còn gọi là gù tháp. Ban đầu thì phần ngắm được thiết kế hình chữ nhật, song ở giai đoạn cuối, khi mà chiếc Nikon F2 sắp ra mắt thì hãng đã đổi từ hình chữ nhật sang hình tròn. Việc sử dụng hình tròn sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng các phụ kiện như kính cận. Các đời đầu dùng thiết kế hình chữ nhật cần có một phụ kiện đổi sang dạng tròn để gắn thêm các món khác vào. Gù có thể tháo được bằng cách nhấn chiếc nút nhỏ ở phía trên sau bên trái thân máy. Thao tác này cũng đồng thời được dùng để tháo screen. Lúc mới ra mắt thì đây là chiếc gù duy nhất cho Nikon F và chính vì thế, nếu muốn đo sáng, ta cần có một chiếc máy đo ngoài có kết nối với vòng chỉnh tốc và vòng khẩu. Người chụp ảnh đo sáng đúng bằng cách chỉnh tốc và khẩu sao cho 2 chiếc kim ở phía trên máy đo nằm trùng khớp nhau là được. Đây là lựa chọn duy nhất, cho tới năm 1962 thì phải bản gù có tích hợp đo sáng mới được hãng giới thiệu.

Chiếc gù đầu tiên có tích hợp đo sáng có tên Photomic, về cơ bản là sự kết hợp giữa gù tháp và một chiếc đo sáng CdS (Cadmium Sulfide) ngoài. Gù này cũng kết nối trực tiếp với vòng tốc và vòng khẩu. Cách thức đo sáng đúng vẫn giữ tương tự. Chiếc gù này hỗ trợ phim với độ nhạy sáng ASA từ 12 tới 1600. Đây là một khoảng đo sáng khá rộng vào thời điểm đó.

Gù Photomic được thay thế bởi gù Photomic T vào năm 1965. Gù Photomic T cho phép đo sáng trực tiếp thông qua ống kính thay vì đo sáng ngoài như gù Photomic. Cách thức chỉnh đo sáng là tương tự. Một lợi thế của việc đo sáng qua ống kính chính là máy đo sẽ có thể tự căn chỉnh khi dùng các loại kính lọc khác nhau. Trước đây khi đo sáng ngoài thì người chụp buộc phải tự căn bù trừ khi dùng kính lọc. Đằng trước 2 tế bào đo sáng CdS đều có hai thấy kính hội tụ giúp giảm tránh việc đo sai lệch khi ánh sáng lọt ngược vào từ lỗ ngắm. Song do phần đế của gù Photomic T to hơn một chút nên buồng gương cần được mod lại để có thể gắn gù này. Một dấu chấm đỏ được đặt đằng trước phần sê-ri máy nhằm biểu thị những thân máy được mod để lắp gù Photomic T hay các gù về sau này. Ta hay gọi những thân máy này là Red Dot Nikon F. Chấm đỏ này chỉ có thể được tìm thấy ở các thân máy có số sê-ri từ 657xxxx tới 66xxxxx. Những thân máy từ số sê-ri 67xxxxx trở đi mặc dù được mod nhưng lại không thêm dấu chấm đỏ này. Cần lưu ý rằng trong khoảng số sê-ri từ 658000 tới 659999 thì chỉ khoảng 75% số máy là được mod và có chấm đỏ. Phiên bản Red Dot Nikon F màu đen có thể coi thuộc hàng rất hiếm với chỉ chưa đến 1000 máy được sản xuất. Máy Red Dot hiếm hơn nữa thì chỉ có thể là những máy Red Dot có tên “Nikkor” thay vì Nikon ở mặt trước máy. Máy Nikkor được sản xuất riêng cho thị trường Đức trong một khoảng thời gian ngắn.

Năm 1967, Nikon tiếp tục nâng cấp gù đo sáng này với phiên bản Photomic Tn, chiếc gù đầu tiên có khả năng đo sáng trọng tâm giữa. Phiên bản Tn cũng có thêm 2 nút tắt bật gù đo sáng nằm trực tiếp ở trên và bên cạnh phải của gù.

Năm 1968, phiên bản cuối cùng của gù đo sáng cho Nikon F là Photomic FTn ra mắt cùng với hệ thống semi-automatic maximum aperture indexing. Sau khi lắp lens vào máy ở khẩu f/5.6, ta xoay vòng khẩu về khẩu bé nhất rồi lớn nhất để báo khẩu cho đo sáng hoạt động chính xác. Đây cũng là gù đầu tiên hiển thị thiết lập tốc độ màn trập trong khung ngắm. Vòng chỉnh ASA bên cạnh đó cũng tích hợp  thêm vòng bù sáng. Tháo gù FTn thay vì chỉ cần một thao tác như các gù trước, ta cần gạt thêm một chiếc lẫy ở bên cạnh phải của gù. Những thân máy Nikon F có số sê-ri từ 6900001 trở xuống đều cần được thay đổi một số chi tiết để có thể gắn được gù này một cách chuẩn xác. Khoảng ASA của gù được nâng lên thành từ 6 tới 6400. Gù FTn cũng có 2 nút bật tắt trong đó nút tắt đóng vai trò kiêm nút thử pin. Khi ấn nút tắt, kim đo sáng sẽ đưa vào vị trí ở giữa nếu pin hoạt động.

Vào thời đó, màn trập và gương của Nikon F thực sự là một sản phẩm cơ khí rất hiện đại. Các tốc độ màn trập có thể thiết lập bao gồm 1 giây, 1/2, 1/4, 1/8, 1/15, 1/30, 1/60, 1/60, 1/125, 1/500, 1/1000, B (bulb) và T (time). Từ khi nhấn chụp cho tới khi gương lật trở lại vị trí cũ, tất cả chỉ diễn ra trong 71 mili giây tại tốc 1/1000.

Trong giai đoạn Nikon F được sản xuất thì người ta vẫn còn dùng flash bóng. Flash điện tử khi đó vẫn còn là thứ gì đó quá mới mẻ. Chiếc máy được thiết kế để có thể đồng bộ đèn ở tất cả các tốc bới flash bóng bằng cách chỉnh vòng đồng bộ flash được thiết kế xung quanh nút bấm chụp.

Nikon F có cơ chế giúp khóa gương lật khi chụp, được thiết kế nằm ở phía dưới bên phải của ngàm gắn ống kính. Sau khi đã khóa gương lên, ta không thể lật ngược lại xuống nếu như không ấn chụp trước. Chính vì thế, nếu muốn ngắm lại sau khi đã lật gương lên, chúng ta buộc phải bỏ đi một kiểu ảnh. Một số chiếc máy Nikon F đặc biệt được mod lại bởi Marty Forscher hay hãng Questar hay một số thợ sửa khác sẽ có thêm một nút nhả gương để tránh bị mất một tấm ảnh. Những chiếc Nikon F này thường được sử dụng cùng kính thiên văn.

Những chiếc máy được sản xuất gần về giai đoạn cuối có một số thay đổi về ngoại hình được bê từ chiếc Nikon F2 sang. Một trong những chi tiết thay đổi dễ nhận thấy nhất là cần gạt lên phim. Thay vì là một cần lên phim nguyên kim loại thì những chiếc phiên bản về sau được ốp thêm một miếng nhựa giống như ở Nikon F2. Bên cạnh đó cũng có một vài phiên bản F đặc biệt được sản xuất bởi Nikon, và nhiều trong số đó thì chỉ có Nikon mới biết được. Một trong những phiên bản đặc biệt nổi bật là chiếc Nikon F High Speed và chỉ được sản xuất trong thời gian ngắn với số lượng rất giới hạn. Thay vì có chiếc gương bình thường thì phiên bản này sử dụng gương dạng viên bán trong suốt. Điều này giúp chiếc máy đạt tốc độ chụp đáng kinh ngạc vào khoảng 9,5 hình trên giây. Hai phiên bản còn lại bao gồm phiên bản màu xanh lá được đặt hàng bởi NATO và một phiên bản màu trắng hoàn toàn. Nhiều chiếc Nikon F khác có những chi tiết tùy biến hay ký hiệu đặc biệt khiến chúng có giá trị sưu tầm khá cao.

NikonFH_ver2_A.jpg
Nikon F High Speed bản 9 hình trên giây với số lượng chỉ khoảng 20 chiếc được sản xuất (Ảnh: Peter Coeln)

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều phiên bản đặc biệt và tùy biến khác của Nikon F, độc giả có thể tìm hiểu thêm tại trang Nikon F Variations của Stephen Gandy hoặc trang Nikon F – Variations & Special Models của Michael C. Liu.

Bài viết được soạn và dịch dựa theo cuốn sách Nikon System Handbook bởi B. “Moose” Peterson; nhiều thông tin được tham khảo từ các trang của Richard de Stoutz và Matthew Lin.

Xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới anh Nikun VN đã giúp em trong quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết.

By Trung Hiếu Nguyễn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *