[Review] Mamiya C22 – Chuyên nghiệp, đa dụng và chất lượng

Chiếc máy ảnh TLR (Twin Lens Reflection) Mamiya C22 được ra mắt cách đây hơn một nửa thế kỉ, vào năm 1966. Đây là thời đại hoàng kim của những chiếc máy ảnh song kính khi chúng được sử dụng rộng rãi bởi các phóng viên ảnh suốt từ thời thế chiến đầu tiên tới tận những năm 80 của thế kỉ trước, cũng là thời điểm mà máy ảnh chưa phải là một món đồ phổ thông dễ tiếp cận như hiện tại nên không nhiều người biết về sự tồn tại của dòng máy này.

Rebecca thru the Mamiya C22

Mamiya C22 – Photo Flickr

Điểm đặc trưng nhất của hệ máy song kính Mamiya C so với những hệ máy song kính khác đấy là hệ máy này là hệ máy song kính duy nhất trên thế giới đi theo trường phái gọi là “system camera”. Hiểu nôm na là hệ máy này có thể thay được ống kính, thay đổi hàng tá phụ kiện y hệt những hệ máy ảnh có gương lật khác.

Dòng máy ảnh song kính của Mamiya thì có 2 hệ máy đấy là C2 và C3, hệ C3 thì hướng tới những người dùng chuyên nghiệp còn hệ C2 thì về bản chất là bản rút gọn của C3, hướng tới những người dùng nghiệp dư. Cách phân chia này cũng tương tự như 2 hệ máy song kính Rolleicord và Rolleiflex của Rollei. Chiếc Mamiya C22 này là bản nâng cấp của chiếc Mamiya C2 và cũng là bản rút gọn của chiếc Mamiya C33.

Mamiya TLR – Photo Internet

Chiếc Mamiya C22 này thì về cơ bản cũng có thiết kế giống những chiếc máy ảnh song kính khác ở những điểm cơ bản như là sử dụng film 120 dành cho hệ máy medium format, có 2 ống kính – một để ngắm và một để chụp, view ngắm dạng ngắm từ trên cao xuống với một chiếc kính lúp bổ trợ. Những điểm khác biệt của chiếc máy này thì đầu tiên là bạn có thể lấy nét được bằng cả 2 tay nhờ núm xoay lấy nét có thiết kế trục ngang 2 bên, đồng thời hệ thống lấy nét là kiểu dạng buồng xếp như những hệ máy large format. Tiếp theo là nút chụp lại ở bên hông chứ không phải ở dưới ống kính và tất nhiên không thể thiếu được là thiết kế bộ điều chỉnh khẩu độ và tốc độ đính kèm với ống kính thành một cụm thống nhất giúp ống kính có thể thay thế một cách dễ dàng.

Ưu điểm:

Về ưu điểm thì như các bạn đã thấy, ảnh chụp từ chiếc máy này có một chất lượng rất tốt tới mức bạn hoàn toàn có thể tự tin in ra khổ lớn để treo trong nhà hoặc triển lãm. Với mức giá trên ebay hiện tại chỉ khoảng 5 triệu đồng là bạn đã có thể sở hữu một bộ máy có khả năng chụp được những tấm ảnh như vậy đấy.

000008 - Pro400H

Photo by Long Nguyen – Fuji Pro 400H

Một ưu điểm nhỏ khác ấy là thiết kế thuần cơ khí nên sửa chữa dễ dàng hơn những chiếc máy có các bộ phận liên quan tới điện ra đời sau. Ngoài ra thì kiếm filter lắp vào lens rất dễ bởi lens của dòng C thường là dùng phi 46, 49, 52mm rất dễ kiếm không như các hệ filter riêng như Bay I, Bay II,… của các dòng máy khác.

Tiếp theo nữa là một ưu điểm mà mình nghĩ là tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm chụp ấy chính là thiết kế dạng buồng xếp như những chiếc máy hệ large format. Chính thiết kế này đã giúp cho mọi ống kính gắn trên hệ máy Mamiya C đều có khả năng lấy nét rất gần tới mức macro, ăn đứt khoảng cách lấy nét tối thiểu chỉ 0.8 đến 1m của đa số các dòng máy ảnh song kính khác.

000004 - Shanghai 100

Album taken with Mamiya C22 – By Long Nguyễn

Khác với những người anh em họ của mình là dòng RB và RZ thì Mamiya đã thiết kế ra dòng C để cân bằng giữa nhu cầu chụp ảnh trong studio cũng như ngoài trời. Đây cũng vừa là điểm cộng cũng như điểm trừ của dòng máy này khi mà đúng là bạn có thể mang nó ra ngoài dễ dàng hơn dòng RB và RZ thật nhưng so với những đối thủ song kính khác như dòng Minolta Autocord, Yashica Mat, Rolleicord,… thì khi cầm trên tay cảm nhận là chiếc máy này nặng hơn một cách khá đáng kể.

Nhược điểm:

Bản thân dòng máy song kính cũng có một nhược điểm chung đấy là khi lấy nét chủ thể ở khoảng cách gần thì luôn có một sự sai lệch nhất định do sử dụng 2 ống riêng biệt để ngắm và chụp.

Nhược điểm lớn nhất trong quá trình sử dụng của chiếc C22 này là ở bộ phận lên phim, vì là bản rút gọn của chiếc C33 nên Mamiya đã lược bỏ đi cơ chế lên phim thông minh hơn của dòng C3 và thay thế vào đó là cơ chế lên phim theo kiểu bộ đếm và bộ chụp không có sự liên kết với nhau. Tức là nếu bạn quên lên phim thì bạn vẫn có thể bấm cò chụp bình thường được và kết quả là ảnh của bạn sẽ vô tình bị chồng lên nhau.

Với những ưu nhược điểm đã đề cập bên trên thì tôi vẫn sẽ khuyên các bạn một điều là chiếc Mamiya C22 này nói riêng cũng như là dòng máy ảnh song kính của Mamiya là những chiếc máy ảnh mà các bạn nên sở hữu và trải nghiệm thử nhé.

Ảnh, bài và video by Long Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.