So với máy ảnh số, việc mua và sử dụng máy phim khó hơn, không chỉ về độ hiếm mà còn cả về sử dụng, bảo quản.
Sở hữu một chiếc máy phim không khó, nhưng phải rất kỳ công. |
Anh Huy Phong (quận 1, TP HCM) chơi máy ảnh phim được hơn 5 năm. Khi mới tiếp xúc với loại máy này, anh cũng có nhiều bỡ ngỡ. Theo anh Phong, mua máy ảnh phim không khó và nó cũng là thú chơi vừa gây nghiện, vừa ít tốn tiền hơn so với máy ảnh số. “Chỉ cần 3 đến 5 triệu đồng là đã có một chiếc máy phim ưng ý, trong khi đó, nếu mua máy ảnh số chụp được, bạn phải tốn hơn chục triệu đồng”, anh Phong nói.
Tuy nhiên, lựa được máy ảnh phim tốt không phải là dễ, nhất là những “tay mơ” mới tập chơi. Thông thường, địa chỉ mua máy là các chợ đồ cổ, cửa hàng máy ảnh phim cũ hoặc các website rao vặt trong và ngoài nước, các hội nhóm mua bán máy ảnh phim trên mạng xã hội. Nhưng để “mua được nhiều hơn một chiếc máy ảnh”, theo anh Phong, nên tìm kiếm những người đang chơi, bởi ngoài việc mua thiết bị, người mua còn được chỉ dẫn tận tình cách tháo lắp phim, chụp ảnh, bảo quản… và giá cũng “hữu nghị” hơn.
Theo anh Lê Nguyễn Trung Thanh, một nhiếp ảnh gia chuyên “trị” máy phim tại Hà Nội, có thể chia máy ảnh phim ra thành 3 dòng khác nhau, gồm máy chụp phim 135, máy chụp phim 120 (medium format) và máy chụp phim tấm (large format). Phần lớn các loại máy phim phổ thông mọi người vẫn thường biết đến đó là phim sử dụng khổ 135 hình chữ nhật 24 x 36mm. Đối với những dòng máy này, việc lắp phim vào máy (tức load film) rất dễ dàng. Thường sẽ có một cần gạt để lên phim và có một cần khác để tua phim về. Ở phía bên cần lên phim có một trụ tròn có khe để cài đầu phim vào đảm bảo sự chắc chắn không bị tuột ra ngoài. Ngược lại phía bên cần tua phim sẽ có một thanh trụ để giữ phim cố định.
Bộ sưu tập máy phim đồ sộ của anh Thanh. |
Các máy phim 120 hay còn gọi là các máy khổ phim Medium Format thường là những dòng máy cao cấp hơn và giá thành phim cũng cao hơn khá nhiều. Không giống với phim 135, những máy phim 120 có nhiều loại khác nhau ở cấu tạo bộ phần chứa phim (buồng phim) dẫn đến cách load firm lại khác nhau. “Khác với máy phim 135, máy phim 120 dùng chính lõi phim làm bộ phận để tua và lên phim. Sau khi một cuộn phim được chụp xong sẽ còn lại phần lõi, phần lõi này sẽ được sử dụng thế chỗ làm phần để load firm đã chụp vào và cứ quay vòng như thế”, anh Thanh giải thích.
Với máy phim khổ lớn (LF), người chơi cần kiên nhẫn nhiều hơn, mọi công đoạn đều được thực hiện trong phòng tối hoặc túi đen để đảm bảo phim không bị hở sáng. Kế sau đó là một loạt các thao tác để hiệu chỉnh máy trước khi chụp. Tất cả những thứ đó là niềm vui những cũng là thử thách đối với người chơi phim. Mỗi lần chỉ có thể chụp được một tấm nhưng bù lại chất lượng của những bức ảnh đến từ máy khổ lớn đều là những sản phẩm mà các loại phim khác khó mà theo được.
Anh Lê Hùng (quận 7, TP HCM) cho rằng, cũng có thể phân chúng thành loại có hỗ trợ AF (như dòng F của Nikon) và không hỗ trợ AF (những máy ảnh có ngàm M42). Khi mới tập chơi, những máy sử dụng được ống kính ngàm M42 là ưu tiên hàng đầu bởi nó có nhiều ưu điểm: gọn gàng, dễ sử dụng, có nhiều hệ ống kính, chất lượng ảnh thuộc dạng tốt và giá bán cũng không quá cao. Nhưng nếu đã chơi lâu, người chơi nên tiếp tục nâng cấp máy của mình lên ngàm OM (như các dòng máy của Olympus), ngàm F (như dòng máy của Nikon đã đề cập ở trên), tiến tới ngàm FD/FL (như của Canon), ngàm PK (đối với các dòng máy Pentax K) hay ngàm MD (máy của Minolta). Người chơi nên nâng cấp từ từ, bởi mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng.
Việc lựa chọn máy và ống kính cũng không phải là điều dễ dàng. Theo anh Nguyễn Sơn (Hà Nội), để tìm được máy tốt, người chơi cần có một chút kinh nghiệm hoặc tốt nhất là nên đi cùng người đã am hiểu về máy ảnh phim và mua bán trực tiếp. Về cơ bản, nó cũng không khác nhiều so với việc mua máy ảnh số, nhưng phần chốt và các bộ phận phía sau dùng để gắn phim cần xem xét kỹ càng, xem có bị cong vênh hay bị gãy hay không…
Bên cạnh đó, người mua cũng cần xem xét thiết bị mình định mua có bị xước, cong vênh hay bị móp méo hay không (nếu có là đã rơi hoặc va đập nhiều lần, tốt nhất không nên mua), xem bên trong phần màn trập có bị hỏng hóc, bám bụi, chất bẩn hay không. Sau đó, có thể chụp thử để xem tiếng màn trập của máy có nhanh và dứt khoát không.
Cần kiểm tra kỹ càng máy phim trước khi mua. |
Về ống kính, cũng nên xem xét thật kỹ, xem có trầy hỏng, mốc hay bị bám bụi, hiện tượng “rễ tre” hay không, cần để ý kỹ các vết mờ trên đó, gắn vào máy và zoom thử xem có tiếng động lạ hay không… Để chắc chắn hơn, người mua cần mang theo một chiếc đèn pin để soi kiểm tra kính.
“Săn máy ảnh phim và ống kính theo tôi không quá khó, nhưng thời gian để kiếm được một chiếc máy ưng ý thì không phải dễ”, anh Sơn nhấn mạnh.
Sau khi đã lựa chọn được máy ảnh, việc bảo quản máy cũng cực kỳ quan trọng. Theo anh Sơn, do đặc thù là “đồ cổ”, việc giữ gìn những chiếc máy có tuổi đời tối thiểu 20 đến 70 năm về trước không hề đơn giản.
Anh Sơn chia sẻ, việc bảo quản máy phim đơn giản, chủ yếu để vào tủ chống ẩm, tránh để ngoài môi trường thời gian dài, nhất là những nơi có nhiều hơi nước, ẩm thấp… Việc sửa chữa mới là khó và rất mất thời gian. Hiện nay, không nhiều thợ sửa máy phim và càng ít những người am hiểu các đời cũ nên đa phần người chơi tự mày mò “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”, tức là lấy linh kiện các máy cùng loại thay thế cho nhau.
Không chỉ máy ảnh, phim cũng là thứ cần phải bảo quản chu đáo. Theo anh Thanh, xét về góc độ kết cấu, đây là bộ phận tương tự sensor xử lý hình ảnh của máy ảnh kỹ thuật số. Do đó, người chơi cần phải có ngăn tủ lạnh riêng để cất giữ phim nhằm làm giảm quá trình phản ứng, lão hóa của hóa chất trên bề mặt chúng.
“Chơi máy ảnh phim cũng coi như là chơi đồ cổ, bạn cần trang bị cho mình kiến thức và đam mê. Đây chính là hai thứ giúp bạn đi theo nó lâu được. Nếu không, bạn sẽ nhanh chán bởi rất nhiều khó khăn bủa vây”, anh Thanh khuyên nhủ.
Bảo Lâm