[Trải nghiệm] 5 lý do tui chụp ảnh film

Đã có rất nhiều nhiếp ảnh gia từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới gửi mail kể cho mình nghe 5 lý do họ chụp film, và đươc đăng lên blog Shooting Film, một blog chuyên về nhiếp ảnh film do mình lập ra khoảng mùa hè năm ngoái 2012. Mình cũng thường chụp film và đăng hình chia sẻ lên Facebook, Flickr cá nhân hoặc blog Chụp ảnh dạo tại đây. Mặc dù vậy, mình cũng chưa bao giờ thử liệt kê hoặc kể cho ai nghe những lý do vì sao mình thích chụp film. Chụp film, mình chỉ nghĩ đơn giản vì thích cái màu film của nó, cảm giác được chụp bằng máy film và hoài cổ. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Nhân dịp nhiếp ảnh gia +Emanuele Faja trên trang blog AndBeThere có ý mời mình viết một bài cộng tác nên mình nghĩ “vì sao mình không thử liệt kê 5 lý do vì sao mình chụp film, trong khi mình là người nghĩ ra cái trò này?” Bài viết đã được đăng trên AndBeThere bằng tiếng Anh. Đây cũng là lần đầu tiên mình tham gia viết bài cho một blog khác với tư cách là khách mời.

Có rất nhiều lý do nhiếp ảnh film thu hút mình, từ Redscale, chồng film cho đến swap film với nhiếp ảnh gia từ một quốc gia khác… nhưng dưới đây sẽ là 5 lý do chính:

1. Màu sắc. Như đã nói ở trên, màu film chính là một trong những lý do đầu tiên ảnh film thu hút mình ngay từ khi mới tìm hiểu về nhiếp ảnh, cho dù những cuộn film đầu tiên có thể chưa tốt vì bố cục, góc chụp… Thêm nữa, mình là người không thành thạo Photoshop (mà cũng không có hứng thú với Photoshop), mà đây là một trong những công cụ không thể thiếu với chụp ảnh số nên ngay từ đầu, mình nghĩ film có lẽ thích hợp với mình hơn.

[​IMG]

2. Grain. Có thể nói Grain/Noise (những hạt li ti trên ảnh film) là một trong những yếu tố chính tạo ra sự khác biệt giữa ảnh film và ảnh số. Tùy theo từng loại film mà những hạt này trên film nhiều hay ít, to hay nhỏ… Nhiều người khi xem ảnh film xong nói “tấm này mịn ghê!” nghĩa là tấm ảnh film này ít hạt hoặc hạt nhỏ hơn so với bình thường, chứ đa số bức ảnh film nào cũng có độ Grain/Noise riêng. Đây chính là cái hồn của ảnh film mà mình nghĩ ai xem ảnh film cũng thích nó, cho dù đó là một nhiếp ảnh gia hay chỉ là một người xem ảnh bình thường; mặc dù một người bình thường họ không để ý đến điều này nhưng thường hay thốt lên “ảnh chất quá,” hay “ảnh nhìn cũ/cổ quá” là do những hạt li ti này…

[​IMG]

3. Tai nạn. Những người chụp ảnh film đa số ai cũng phải gặp “tai nạn” trong nhiếp ảnh ít nhất một vài lần, đặc biệt là ở thời kỳ đầu mới tham gia. Mặc dù vậy, một vài tai nạn vô tình để lại những bức ảnh lạ và độc đáo đến bất ngờ. Kinh nghiệm của mình cho thấy một vài tai nạn như xước film, lọt sáng hay chồng film… thường để lại nhiều hiệu ứng độc đáo. Một số nhiếp ảnh gia trẻ ngày nay thậm chí còn cố ý tự tạo ra “tai nạn” trong chụp film bằng cách tự cào film cho xước, mở nắp sau của máy để lọt sáng, nhúng film vào cồn, xà phòng…

Ảnh film khác ảnh số một chỗ nữa là không được xem hình tại chỗ khi chụp xong. Một số tai nạn thật sự như tuột film, cài đặt lộn ISO, sai sáng… thậm chí tai nạn do các lab gây ra nhiều ức chế, bực bội cho các nhiếp ảnh gia. Bởi vậy bạn đừng thấy lạ nếu một người chụp ảnh film thường quay lại một địa điểm nào đó nhiều lần. Những cảm giác này ảnh số không bao giờ có được: bất ngờ, sung sướng, bực bội, ức chế…!
[​IMG]

4. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn chính là đức tính mà ảnh film vô tình tạo ra được nơi người chụp ảnh, dù nhiều hay ít. Một cuộn film chỉ có khoảng 36 tấm cho 36 lần chụp (không kể chồng film) hoặc 24 hoặc 12… tấm tùy theo loại film. Không như ảnh số bạn có thể bấm nhiều lần cho một góc chụp, ảnh film khiến bạn phải suy nghĩ nhiều hơn trước khi bấm máy. Thời gian chờ đợi để tráng/scan film cũng đòi hỏi bạn phải có tính kiên nhẫn vì đa số ai chụp xong cũng nôn nóng muốn biết kết quả của cuộn film mình chụp ra sao. Cảnh đẹp, thời tiết tốt, người mẫu chất, khoảnh khắc hay, chụp càng có chủ ý, chuẩn bị kỹ… lại càng nôn nóng về kết quả!

[​IMG]

5. Cảm giác được bấm máy. Cảm giác được bấm máy, thử nghiệm trên những máy film cũ khác nhau ngoài chiếc Nikon FM khiến mình nghiện film hơn. Ngược với ảnh số, các nhiếp ảnh gia thường đầu tư để “lên đời” nâng cấp máy ảnh của mình thì những người chụp ảnh nếu nghiện film sẽ “xuống đời”.

[​IMG]

* Trên đây chỉ là 5 lý do cá nhân vì sao mình thích chụp ảnh film. Hoàn toàn không có ý định so sánh ảnh film và ảnh số hoặc đưa ra ý kiến chụp cái gì cho tốt hơn. Mỗi người đều có sở thích, cảm nhận riêng. Nếu bạn cũng chụp film, hãy thử liệt kê ra 5 lý do vì sao bạn thích chụp film xem sao?

By Khanh Hmoong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *