[Sưu tầm] Nikon FE – Tiện dụng và gọn nhẹ

Vào năm 1978, Nikon giới thiệu chiếc Nikon FE. Mặc dù FE nhìn y hệt FM nhưng phần màn chập của chiếc máy này lại được vận hành hoàn toàn bởi pin. FE có chế độ chụp ưu tiên khẩu. Tất nhiên người dùng vẫn có thể sử dụng thủ công hoàn toàn nếu muốn.

Khác với Nikon FM thì FE có 3 chiếc screen nếu người dùng muốn thay đổi bao gồm loại K với vùng lấy nét bằng nét cắt, loại B hoàn toàn matte và loại E y hệt loại B chỉ thêm 2 đường kẻ ngang và 3 đường kẻ dọc. Screen loại E hay cũng còn được gọi là là screen kiến trúc vì đặc thù sử dụng của nó. Phần đo sáng sử dụng 2 tế bào Silicon Photo Diodes (SPDs) với mạch IC cân chỉnh đo 60% trung tâm. Thông tin bên trong khung ngắm được hiển thị giống như sê-ri EL. Chúng ta cũng có một đèn báo hiệu khi flash đã nạp sẵn sàng khi sử dùng flash. Nếu tốc độ màn trập đặt 1/125 giây khi lắp flash, chiếc đèn này sẽ nhấp nháy để cảnh báo người dùng.

Khung ngắm của Nikon FE với screen loại K (Ảnh: Rodolfo Bolaños)

Tốc độ màn trập trải từ 8 giây tới 1/1000 giây cùng chế độ B và Auto. Bên cạnh đó ta cũng bắt gặp một thiết lập mới là M90. Phòng trường hợp chết pin, chúng ta có thể xoay vòng chỉnh tốc về M90, khi đó máy sẽ chụp ở tốc 1/90 giây. Tốc này hoạt động dựa vào cơ khí thay vì điện. Ở phía sau của phần nắp máy trên bên trái có một nút kiểm tra pin. Tương tự như Nikon FM, chiếc FE không có khả năng khóa gương lật song cũng cho phép khả năng đo sáng stop-down như FM. Khả năng mở ngạnh AI để dùng với lens non-AI cũng có trên chiếc FE. Vòng chỉnh ASA có thêm phần bù trừ sáng. Vòng bù trừ này có thể đẩy dư hoặc thiếu 2 stop với nấc chỉnh là 1/3 stop. Nắp lưng của máy hoàn toàn có thể tháo rời và thay vào nắp MF-12 có khả năng ghi dữ liệu lên phim. Chiếc nắp lưng này có thể ghi ngày, tháng, năm lên phần phía dưới bên phải của tấm ảnh. Nó được kết nối với chiếc máy thông qua cổng PC. Chiếc FE có thể sử dụng phụ kiện kéo phim MD-12 mới hơn hoặc bản MD-11. Tương tự như những chiếc FM đời sau thì cần lên phim trên Nikon FE cũng kiêm luôn vai trò khóa cò.

Vòng chỉnh tốc trên Nikon FE với chế độ M90 và Auto (Ảnh: Rodolfo Bolaños)

Một lưu ý nhỏ về chiếc FE là không nên để máy ở trạng thái lên phim nếu không chụp luôn. Do đặc thù thiết kế của máy, nếu lên phim mà không chụp luôn, khi hết điện sẽ rất dễ dẫn đến treo gương, kẹt cò hoặc treo màn trập. Chính vì vậy, không nên để máy nghỉ ở trạng thái đã lên phim.

Nikon-FE-Film-Camera-Review-4-of-4.jpg
Một số chi tiết trên chiếc Nikon FE (Ảnh: James Tocchio)

Một năm sau sự ra mắt của chiếc FE, vào năm 1979, Nikon giới thiệu phiên bản EM dành cho thị trường phổ cập người tiêu dùng. Đây là chiếc máy hoàn toàn tự động với chế động ưu tiên khẩu. Chiếc máy này chỉ có thể gắn lens AI hoặc AIS. Nếu như tốc độ màn chập mà máy đọc từ kết quả đo sáng chậm hơn 1/30 giây, bên trong view sẽ hiển thị cảnh báo tốc độ chậm cho người dùng. Nếu pin chết, chiếc máy vẫn cho người dùng ở tốc 1/90 giây như chế độ M90 trên Nikon FE. Chiếc EM cũng có khả năng chụp ở chế độ Bulb nhưng lại ăn điện trong toàn bộ quá trình phơi sáng.

4795760789_2f86011e80_b.jpg
Nikon EM – Ảnh Internet

Sử dụng flash trên Nikon EM cũng có thể coi như là một trải nghiệm bán tự động. Khi gắn flash vào máy, tốc 1/90 sẽ được giữ cố định để đảm bảo đồng bộ flash chuẩn xác, người dùng sau đó phải chỉnh khẩu cho phù hợp tới khi máy thông báo khẩu đúng. Bên cạnh đó EM có một tính năng khá hay, đó chính là bù sáng khi chụp ngược sáng. Ở phía trước máy có một nút dành riêng cho việc này. Khi nhấn nút này, máy tự động bù 2 stop. Máy đo sáng bằng tế bào SPD, độ nhạy từ EV2 tới 18. Nikon EM chỉ cho khung ngắm 92%. EM cũng không có chế độ khóa gương lật và thậm chí Nikon cũng đã lược bỏ luôn khả năng xem trước độ sâu trường ảnh ở phiên bản “bình dân” này.

Bài viết được soạn và dịch dựa theo cuốn sách Nikon System Handbook (1991) bởi B. “Moose” Peterson by Trung Hiếu Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *